Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính của miền Trung Việt Nam

 



Cuối năm 2020, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực với số vốn đầu tư 47.000 tỉ đồng theo văn bản 8919/BKHĐT-KTĐPLT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.


Mục đích của Đà Nẵng là “xây dựng trung tâm hành chính quy mô khu vực” đóng vai trò trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề xuất một số lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nhân lực và thu hút nhân lực chất lượng cao.

UBND TP Đà Nẵng cũng đề xuất xây dựng Đề án bao gồm nhiều dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại có khu vui chơi giải tri, casino và chung cư cao cấp (thuộc danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025) được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 8,4ha tại đường Võ Văn Kiệt với vốn đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng huy động của các nhà đầu tư.

Đà Nẵng có mục tiêu xây dựng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó với vị trí nằm ở miền Trung Việt Nam và là thành phố trực thuộc Trung ương trong 24 năm, Đà Nẵng là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định “Việt Nam có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng có và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này”.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng là thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về mật độ kinh tế, đứng 9/63 về nguồn thu ngân sách.

Đà Nẵng được định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, thành phố đáng sống có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ về đường biển, đường bộ và đường hàng không. Có khoảng cách 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động như Bangkok, Malaysia, Singapore, Manila, Đài Loan, Quảng Châu và Hồng Kông.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét