Nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp và là công cụ hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng và dự kiến sẽ tạo ra động lực phát triển nhanh chóng giúp các doanh nghiệp khôi phục tình hình kinh doanh, sản xuất.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, thuế giá trị gia tăng sẽ giảm từ 10% xuống mức 8%. Mức giảm này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng tăng mức chi tiêu, qua đó doanh nghiệp sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: (i) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất; (ii) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (iii) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Liên quan đến mức giảm thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp cần lưu ý đến phương pháp tính thuế giá trị gia tăng để áp dụng. Theo đó, nếu doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% và trường hợp doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Có thể thấy, giảm thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh hiện tại là giải pháp phù hợp. Bởi vì việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ được triển khai nhanh chóng và doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ ngay lập tức được hưởng lợi. Việc giảm thuế này được kỳ vọng sẽ giúp giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng sản lượng sản xuất của doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho người lao động. Vì lẽ đó mà việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Đây được đánh giá là khoảng thời gian áp dụng phù hợp đáp ứng đúng mục tiêu hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, thời hạn này sẽ giảm nguy cơ phát sinh lạm phát.
Trước đây, thuế giá trị gia tăng chỉ được giảm đối với một số sản phẩm đặc thù, tuy nhiên với chính sách này, đối tượng được giảm thuế đã được mở rộng hơn ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất. Do đó, tác động của chính sách này đến nền kinh tế trong tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, để việc giảm thuế giá trị gia tăng đến được với người tiêu dùng, cơ quan quản lý thuế cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn để đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
Nguồn: https://www.antlawyers.com/cong-ty-luat-giai-quyet-tranh-chap/chinh-sach-giam-thue-gia-tri-gia-tang/
0 Nhận xét