Quy trình thu hồi nợ đối với doanh nghiệp



Trong quá trình hợp tác, kinh doanh của doanh nghiệp, việc phát sinh các khoản nợ xấu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để có thể thu hồi nợ, giảm thiểu các khoản nợ xấu trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trình tự tiến hành thu hồi nợ theo quy định của pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong khi đó, doanh nghiệp cần giải pháp, sự can thiệp hiệu quả hơn để thu hồi các khoản nợ đầy đủ, nhanh chóng góp phần đảm bảo nguồn thu và cân bằng tài chính cho doanh nghiệp.


Để có thể thu hồi được khoản nợ theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải trải qua 2 giai đoạn với các quy trình thủ tục tương đối phức tạp. Theo đó sau khi bản án của Tòa án, doanh nghiệp cần phải có đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Bởi vì, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án là hai giai đoạn độc lập, mỗi giai đoạn có quy trình khác nhau.

Thứ nhất, giai đoạn khởi kiện tại Tòa án. Sau khi liên hệ, khi bên nợ có thái độ không hợp tác hoặc nhận thấy lợi ích doanh nghiệp bị xâm hại thì doanh nghiệp sẽ tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Đây là một phương pháp khởi kiện truyền thống buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình, thủ tục nghiêm ngặt của Tòa án và các quy định pháp luật liên quan.

Cụ thể, để có thể tiến hành khởi kiện tại Tòa án, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện như sau: (i) Có phát sinh khoản nợ và bên nợ không trả nợ đúng như cam kết, dẫn đến tranh chấp và doanh nghiệp cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm; (ii) Tranh chấp giữa doanh nghiệp và bên nợ trong trường hợp này phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, không phải thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức nào khác (Trọng tài); (iii) Trong một số trường hợp, nếu có thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật bắt buộc phải thực hiện các thủ tục tiền tố tụng như hòa giải, thương lượng, thông báo… thì doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục đó trước khi yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và bên nợ. Bên cạnh đó, trong đơn khởi kiện doanh nghiệp cần đính kèm các hóa đơn, chứng từ, giấy vay nợ để chứng minh về việc đòi nợ là có căn cứ. Đây là các điều kiện cơ bản mà doanh nghiệp cần lưu ý khi nộp đơn khởi kiện để đảm bảo đơn khởi kiện là hợp lệ và không bị trả lại gây mất thời gian.

Sau khi đơn khởi kiện được thụ lý và doanh nghiệp hoàn thành việc đóng tạm ứng án phí, Tòa án sẽ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ; tiến hành phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong trường hợp các đương sự không thể hòa giải với nhau về phương án thanh toán hay thống nhất về lãi và khoản nợ, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần cân nhắc về các khoản lãi chậm trả, nợ gốc và tình hình tài chính của bên nợ để yêu cầu được Tòa án chấp nhận và làm cơ sở cho việc thi hành án là khả thi.

Thứ hai, về thủ tục yêu cầu thi hành án. Sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Theo đó, doanh nghiệp, đặc biệt là bên nợ trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có tự mình hoặc ủy quyền cho người khác làm đơn yêu cầu thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án cấp quận, huyện nơi tòa án xét xử sơ thẩm để yêu cầu thi hành án. Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan. Đối với nội dung đơn yêu cầu thi hành án, doanh nghiệp cần thể hiện các thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của bên nợ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án gồm: Phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ, tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản để tránh trường hợp bên nợ tẩu tán tài sản và không có khả năng trả nợ theo bản án. Đồng thời, cơ quan thi hành án sẽ ra thông báo thi hành án, ấn định cho bên nợ phải thi hành án một thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày bên nợ nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, bên nợ có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị bị cưỡng chế.

Việc cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền sẽ được cơ quan thi hành án áp dụng một trong các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ hoặc phát mại tài sản của người phải thi hành án để thu nợ…

Trên đây là các quy định pháp luật cơ bản trên thực tế mặc dù bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng việc tiến hành khởi kiện và thi hành án trong nhiều trường hợp vẫn không thể thực thi và việc doanh nghiệp có thể thu hồi nợ là cực kỳ khó khăn. Bởi vì, quy định khởi kiện và yêu cầu thi hành án đòi nợ đang còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.

Một là việc xác định địa chỉ của bên nợ để Tòa án tiến hành tống đạt giấy tờ. Bên nợ luôn có xu hướng trốn tránh, không hợp tác, do đó sẽ chuyển địa chỉ liên tục và gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Theo đó, Tòa án không tiến hành tống đạt được cho bên nợ do đó mà một số Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện cho doanh nghiệp, hoặc đình chỉ vụ án vì cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện hoặc không triệu tập được bị đơn. Đây là một trong những yếu tố chủ yếu gây ra tình trạng trì trệ đối với quá trình tố tụng khi doanh nghiệp khởi kiện.

Hai là việc áp dụng thủ tục xét xử vắng mặt. Để đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xét xử vắng mặt, Tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian và thực hiện nhiều biện pháp tiến hành xác minh, niêm yết văn bản tố tụng theo quy định. Bên cạnh đó, đối với các tranh chấp nợ có yếu tố phức tạp cần nhiều thời gian để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định tài liệu… hoặc vụ án có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phiên tòa xét xử bị hoãn nhiều lần. Như vậy, vô hình trung quyền lợi của doanh nghiệp đã thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ba là quá trình thi hành án. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có bản án của Tòa án nhưng quá trình thi hành án kéo dài nhiều năm, doanh nghiệp vẫn chưa được thể thu hồi nợ. Vấn đề này có thể xuất phát từ việc không có sự linh hoạt trong việc kết hợp giữa các ngân hàng, các cơ quan tổ chức khác và cơ quan thi hành án gây bất lợi cho công tác xác minh, kê biên tài sản của cơ quan thi hành án, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thi hành án.

Bốn là, đối với việc kê biên, bán đấu giá tài sản là các sản phẩm khó xác định giá trị hoặc tài sản đang có tranh chấp hoặc không có người tham gia đấu giá cũng là những nguyên nhân làm cho thời gian thu hồi nợ của doanh nghiệp kéo dài.

Năm là do yếu tố chủ quan của con người. Cụ thể là do hành vi chống đối, không hợp tác của thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp, cản trở việc xác minh điều kiện thi hành án, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản). Đối với động sản có thể di chuyển, bên nợ đã chủ động di chuyển, tẩu tán nhằm gây khó khăn trong quá trình xử lý. Ngoài ra, có trường hợp chấp hành viên vi phạm về thời hạn thông báo, tống đạt các quyết định/thông báo thi hành án, không tiến hành xác minh…

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thời gian thi hành xong một vụ tranh chấp nợ, bởi vì tùy trường hợp mà khả năng thu hồi nợ sẽ tiến hành nhanh hoặc chậm. Doanh nghiệp muốn việc thu hồi nợ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả cần chủ động thu thập thông tin, điều kiện thi hành án của bên nợ và cung cấp cho cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó cần tìm sự tư vấn của các đơn vị có chuyên môn pháp luật để đảm bảo quyền lợi của mình.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét